KẾT HÔN

Kết hôn giữa hai công dân Việt Nam cùng tạm trú ở nước ngoài

Hồ sơ đăng ký kết hôn của mỗi bên cần có các giấy tờ sau:

– Tờ khai đăng ký kết hôn (mẫu TP/HT-2013-TKĐKKH), trong đó khai đầy đủ các mục và có chữ ký của cả hai bên nam, nữ và có xác nhận của CQĐD Việt Nam nơi đương sự cư trú.
– Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận của CQĐD Việt Nam hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do CQĐD Việt Nam cấp nêu ở điểm này phải là bản chính (có dấu đỏ), không được là bản sao, kể cả bản sao có chứng thực.
– Đối với trường hợp đã có vợ, có chồng nhưng đã ly hôn hoặc người kia đã chết thì trong hồ sơ cần có bản sao có chứng thực bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam về việc ly hôn hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng tử..
– Bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (xuất trình bản chính để đối chiếu).
– Bản chụp giấy tờ chứng minh tình trạng cư trú ở nước ngoài (xuất trình bản chính để đối chiếu).
– Trường hợp trước khi xuất cảnh, bên tham gia đăng ký kết hôn đã đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam thì khi đăng ký kết hôn phải nộp thêm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã, nơi người đó cư trú cuối cùng trước khi xuất cảnh, cấp./.

Kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa công dân Việt Nam với nhau mà một hoặc cả hai bên cùng định cư ở nước ngoài

Việc đăng ký kết hôn cho nhóm đối tượng này thực hiện theo Nghị định 24/2013/NĐ-CP ngày 28/03/2013. Theo đó, một trong hai bên kết hôn phải trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại CQĐD.

Hồ sơ đăng ký kết hôn bao gồm:

– Tờ khai đăng ký kết hôn (mẫu TP/HT-2013-TKĐKKH);
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó là người không có vợ hoặc không có chồng;
(Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy xác nhận tuyên thệ của người đó hiện tại không có vợ hoặc không có chồng theo pháp luật nước sở tại);
– Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
– Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như Giấy thông hành hoặc Thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);
– Bản chụp giấy tờ chứng minh tình trạng cư trú ở nước ngoài (xuất trình bản chính để đối chiếu);

Ngoài giấy tờ nêu trên, tùy từng trường hợp, bên nam, bên nữ phải nộp giấy tờ tương ứng sau đây:

– Đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật Nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó.
– Đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài thì còn phải có giấy tờ chứng minh về tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
– Đối với người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam thì phải có giấy do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật của nước đó.
-Trường hợp pháp luật nước ngoài quy định cấp cả giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn thì đương sự phải nộp cả hai loại giấy. Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn thì chỉ phải nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trường hợp pháp luật nước ngoài (như Anh, Úc, Hàn Quốc) chỉ quy định cấp giấy xác nhận không cản trở kết hôn thì chỉ phải nộp giấy này thay cho giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn. CQĐD ngoài 3 nước nói trên báo cáo về Cục Lãnh sự các trường hợp này để thông báo cho Bộ Tư pháp.
– Đối với công dân Việt Nam đã ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận về việc đã ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Đối với người nước ngoài đã ly hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận về việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
* Lưu ý: Các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc công chứng, chứng thực phải được hợp pháp hóa theo quy định về hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa và phải được dịch ra tiếng Việt. Bản dịch cũng phải được chứng thực theo quy định về chứng thực./.